Ngày 12/5/2025, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật “Thúc đẩy thực thi các chính sách, quy định về quản lý hóa chất cần quan tâm và bảo vệ môi trường trong ngành dệt may”.
Cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu sử dụng và phát thải hóa chất, bao gồm POPs, trong lĩnh vực dệt may”, một sáng kiến trọng điểm do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Dự án có mục tiêu chung là nâng cao năng lực quản lý hóa chất và chất thải công nghiệp thông qua việc kiểm soát, giảm thiểu sử dụng và xử lý an toàn các hóa đáng quan tâm (Chemicals of Concern - CoCs), trong đó có chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Persistent organic pollutants - POPs) – nhằm góp phần thúc đẩy lộ trình chuyển đổi xanh của ngành dệt may Việt Nam. Dự án được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo thực hiện.

Quang cảnh cuộc họp
Thay mặt Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (VEMSI), Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn đã có bài phát biểu chào mừng khai mạc cuộc họp. Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn đã nhấn mạnh: Ngành dệt may Việt Nam là một trụ cột kinh tế của đất nước, đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam hiện xếp thứ ba thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh), giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu người[1]. Tuy nhiên, trước áp lực từ thị trường quốc tế, yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, cùng trách nhiệm bảo vệ môi trường đã khiến chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà trở thành con đường tất yếu để đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập lâu dài. Một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là việc kiểm soát và giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động sản xuất, đặc biệt là quản lý các hóa chất độc hại, bao gồm các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp Ban Quản lý dự án và thành viên Nhóm Công tác quốc gia đã được giới thiệu. Bà Nguyễn Thị Phương Mai – Phó Viện trưởng VEMSI, thay mặt Ban quản lý dự án đã trình bày kế hoạch thực hiện, kết quả dự kiến của dự án tại Việt Nam.

Phó Viện trưởng, Phó Giám đốc BQL Dự án Nguyễn Thị Phương Mai trình bày kế hoạch thực hiện, kết quả dự kiến của dự án
Giới thiệu tổng quan về dự án và các kết quả mong đợi của dự án đã được cố vấn chính sách cùa Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) trình bày tại cuộc họp. Theo đó, dự án gồm 3 hợp phần: (1) Chia sẻ thông tin và thí điểm quản lý CoCs, bao gồm POPs, trong các cơ sở dệt may; (2) Chiến lược đổi mới sinh thái hướng đến không phát thải hóa chất độc hại và kinh tế tuần hoàn; (3) Quản trị tri thức để nhân rộng Dự án. bà Yiliqi đã có các bài trình bày tổng quan về các kết quả đầu ra và sản phẩm của Dự án khu vực; mục tiêu về chính sách quản lý POPs/CoCs quốc tế và theo chuỗi cung ứng dệt may.

Bà Yiliqi, Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) – Giám đốc Kỹ thuật Dự án Khu vực

Ông Anton Purnomo, Giám đốc Trung tâm điều phối khu vực công ước Basel và Stockholm (BCRC-SEA) – Cơ quan điều phối khu vực
Giới thiệu về khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến quản lý hóa chất, đại diện Cục Hóa chất, Bộ Công thương, ông Lê Việt Thắng đã trình bày về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) thay thế Luật Hóa chất 2007 sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, tập trung vào 4 chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất. Theo đó, Luật mới sẽ phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về hóa chất để giám sát và quản lý hóa chất hiệu quả…

Đại diện Cục Hóa chất, Bộ Công Thương trình bày tại cuộc họp
Về quản lý các chất hữu cơ khó phân hủy (POPs), bà Đặng Thùy Linh, đại diện Cục Môi trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình bày về khung chính sách, pháp luật về quản lý các hóa chất cần quan tâm, bao gồm các chất POP: Danh mục, yêu cầu quản lý, tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường, quan trắc, đăng ký miễn trừ, quản lý chất thải và thực tế triển khai ở Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật Quốc gia của Dự án đã trình bày về một số nội dung đề xuất về hỗ trợ thực thi chính sách về POPs/CoCs ở Việt Nam.

Đại diện Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình bày tại cuộc họp

Giám đốc Kỹ thuật Quốc gia của Dự án trình bày tại cuộc họp
Một trong những nội dung đã thu hút được sự quan tâm thảo luận của đại biểu trong cuộc họp liên quan đến áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) và kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất (BEP). Về nội dung này, cuộc họp đã được nghe các bài trình bày của Đại diện Ban Pháp lý của Chương trình Môi trường thuộc Liên hợp quốc (UNEP) và đại diện Ban An toàn và Sức khỏe Môi trường của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD) về những chính sách mới nổi, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách và thực tế triển khai hướng dẫn BAT/BEP để kiểm soát ô nhiễm trong ngành dệt may.

Tiến sỹ Mark S. Rossi chuyên gia chính sách dự án

Bà Berrak Eryasa, Chuyên gia phân tích chính sách, Ban An toàn và Sức khỏe Môi trường, OECD
Cuộc họp đã nhận được rất nhiều chia sẻ và đóng góp để dự án được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện khuôn khổ pháp lý và đặc điểm doanh nghiệp của Việt Nam của các đại biểu tham dự.

Ông Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng, Giám đốc BQL Dự án chủ tọa và điều hành thảo luận tại cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Ông Phạm Văn Lợi, chủ tọa, đã chỉ ra khoảng trống về khung pháp lý và nhận thức cộng đồng trong quản lý các hóa chất cần quan tâm, bao gồm các chất POP. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các bên liên quan để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án. Trong thời gian tới, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, NGO, các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu để cụ thể hóa các hoạt động của dự án hướng đến thúc đẩy thực thi Luật Hóa chất, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của quốc tế một cách hiệu quả./.
MỘT SỐ HÌNH ÀNH CÁC ĐẠI BIỂU THAM DỰ THẢO LUẬN TẠI CUỘC HỌP


Bài: BQL Dự án POPs
Ảnh: Nhật Lệ (VEMSI)
[1] Theo https://laodong.vn/kinh-doanh/xuat-khau-nganh-det-may-viet-nam-vuon-len-thu-3-the-gioi-1435099.ldo (truy cập ngày 16/5/2025).